Để chạm vào hạnh phúc

Leave a Comment

Đi tìm “chân dung” của hạnh phúc
Quan niệm về hạnh phúc không giống nhau ở mỗi người, mỗi nhà, mỗi thế hệ, mỗi thời đại, mỗi xã hội. Chẳng hạn, có người xem hạnh phúc là hài lòng với những gì mình có theo chủ thuyết “biết đủ”. Cũng có người cho rằng hạnh phúc là khi ta có một sức khỏe tốt, một sự nghiệp như ý, một gia đình ấm cúng và những bạn hữu chí tình. Hạnh phúc cũng có khi là những điều giản dị: có một việc yêu thích để làm, có người để yêu thương và một nơi chốn bình yên để đi về. Hay gần gũi hơn, hạnh phúc được đo bằng việc: sáng sáng háo hức đi làm, tối tối hăm hở về nhà...
Lại có những vĩ nhân gọi tên hạnh phúc theo một cách rất riêng của họ. Ví như nhà hiền triết Mahatma Gandhi bảo rằng: “Hạnh phúc là khi mà những gì mà bạn nghĩ, những gì mà bạn nói và những gì mà bạn làm hòa quyện với nhau”. Điều này giống như thông điệp mà các tín đồ Thiên Chúa giáo tin tưởng: “Bình an dưới thế cho người thiện tâm”, để khẳng định hạnh phúc có từ cái tâm an bình của mỗi người, là sự tĩnh tại trong sâu thẳm tâm hồn... Liệu có thể hạnh phúc chăng nếu nghĩ một đằng, nói một nẻo và làm một kiểu? Liệu có thể hạnh phúc chăng với một lối sống “trình diễn” như những “kịch sĩ” trong cả đời thường?
Người anh hùng Che Guevara thì cho rằng: “Hạnh phúc không phải là cảm giác tới đích mà là trên từng chặng đường đi”. Đi một bước, dù ngắn hay dài, mà cảm thấy mình tiến lên, mình đến gần hơn với lẽ sống và lý tưởng của mình thì là hạnh phúc. Hay như một triết lý nhà Phật mà ta thường nghe: An lạc trong từng bước chân...
Rồi cũng có ý kiến phản biện rằng: ranh giới giữa biết đủ, biết hài lòng và thỏa hiệp với bản thân mình là rất mong manh. Bởi khi luôn nghĩ rằng “ừ, vậy là được rồi...”, thì chính là lúc mà ta ngừng nỗ lực, ngừng cống hiến để làm cho cuộc sống bản thân và cộng đồng của mình tiến về phía trước. Sẽ rất nhanh, những cái “biết đủ” và sự hài lòng dễ dãi này sẽ làm ta chán ngán. Sẽ rất nhanh, hạnh phúc này sẽ biến mất khi ta không hiểu được ý nghĩa cuộc đời mình nằm ở nơi đâu...
Vậy hạnh phúc là biết đủ, biết hài lòng hay là biết vượt qua, biết chinh phục hay là gì khác?
Để chạm vào hạnh phúc
Nếu hạnh phúc không phải là “biết đủ”, biết hài lòng, mà là “luôn vượt qua những thử thách”, “luôn chinh phục những ước mơ”, là “đạt được những gì mình muốn”, vậy thực ra, con người muốn gì?
Có thể thấy rằng, dù con người có thể lên sao Hỏa hay làm chủ mặt trăng, nhưng trong mỗi chúng ta vẫn tồn tại những mong muốn “rất con người”. Như một mô hình của nhà triết học và tâm lý học Abraham Maslow, nhu cầu của con người sẽ bắt đầu từ mong muốn thiết thân nhất là được tồn tại (có cái ăn, cái mặc, có chỗ trú ẩn, được học hành...) cho đến những thứ cao hơn như đời sống tinh thần và sự an toàn, rồi nhu cầu kết nối xã hội... Và tiếp đến là nhu cầu khẳng định bản thân... Để rồi cuối cùng, mong đạt đến cái đích cao nhất là thỏa mãn nhu cầu “mình được coi trọng” và “mình là quan trọng”. Điều này cũng tương tự như John Dewey, triết gia về giáo dục có ảnh hưởng lớn nhất đến nền giáo dục Mỹ trong thế kỷ 20, từng nói: thị dục huyễn ngã (muốn được trọng) là ước muốn quan trọng nhất và khẩn thiết nhất của con người.
Ai cũng muốn “được trọng”, ai cũng muốn mình là này kia, nhưng con đường nào để đạt được điều đó?
Tiền có phải là thứ giúp ta có được sự coi trọng của người khác? Không hẳn vậy. Có ai trong chúng ta biết được huyền thoại Steve Jobs vừa qua đời sở hữu bao nhiêu tài sản hay tài khoản của ông có bao nhiêu con số nhưng thế giới này vẫn nể trọng ông. Trong khi đó lại có những trọc phú dầu mỏ, hay tài phiệt - họ còn giàu có hơn nhà sáng tạo Apple nhiều lần - thì lại bị soi mói đến từng đồng tiền nhỏ nhất, với thái độ thù hằn, ghét bỏ...
Quyền cũng không đi liền với sự tôn trọng, khi mà có không ít bạo chúa, nhà độc tài, dù ở địa vị tối cao tôn quý và với quyền lực vô song của mình, nhưng vẫn bị người đời nguyền rủa và họ thường đi vào lịch sử với những hình tượng xấu xa vì những gì mà họ đã từng gây ra bằng chính cái quyền lực vô song của mình.
Tài là điều làm nhiều người suy nghĩ. Tài năng là điều kiện quan trọng để tạo ra những thay đổi, những đóng góp, nhưng không hoàn toàn đồng nghĩa với việc “được trọng”, nếu như tài năng đó không mang lại giá trị, không được dùng vào những việc hữu ích.
Tâm thì sao? Cũng chỉ là một thành tố mà thôi. Nhiều người có cái tâm rất trong sáng, không hại ai, có tấm lòng yêu thương mọi người, nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó mà ít hành động thì cũng khó làm cho mọi người nể phục...
Tiếng cũng là một con đường đầy bất trắc và cũng chưa hẳn sẽ đến được với hạnh phúc hay sự nể trọng. Nổi tiếng cũng ba bảy đường, và danh tiếng thì khác với tai tiếng.
Như vậy, quyền hay tiền, tiếng, tài, tâm đều không phải là những con đường chắc chắn mang lại hạnh phúc quan trọng nhất trong cuộc đời mà mình muốn. Vậy, rốt cuộc con đường đó là con đường nào?
Chúng ta hãy tìm hiểu một con người được xã hội mến trọng: mẹ Teresa. Bà là một phụ nữ nghèo ở Ấn Độ, không được miêu tả như một người có bộ óc siêu việt, tài năng thiên bẩm hay tố chất gì đó đặc biệt về mặt khoa học, nghệ thuật, kinh doanh hay chính trị, nhưng vẫn được thế giới kính trọng. Cả đời bà không có một gia tài ức vạn, không có một địa vị hay một đội quân hùng mạnh nào bên cạnh, nhưng nhiều trường đại học trên khắp thế giới đã trao bằng tiến sĩ danh dự cho bà. Đi đến đâu bà cũng được coi trọng như quốc khách. Khi bà qua đời, không chỉ Ấn Độ tổ chức quốc tang, mà nhiều nơi trên thế giới để tang bà.
Và nhiều câu chuyện khác trong lịch sử loài người cũng đã chứng minh, cuộc đời con người không phải được đánh giá bằng những gì họ kiếm hay đạt được cho chính mình, mà bằng chính những gì mà họ đã mang lại hay gây ra cho người khác. Và mỗi người, dù là ai, cũng có thể đóng góp cho đời bằng những vấn đề mà mình giải quyết hay bằng chính “chân dung” cuộc đời mình.
Hay nói cách khác, mang lại những đóng góp hay để lại những giá trị cho đời, chính là một trong những con đường đưa chúng ta lên nấc thang hạnh phúc cao nhất.
...Và để mỗi người là một tế bào hạnh phúc
Cũng có người cho rằng, trong thời buổi mà mọi thứ ở khắp nơi trên thế giới đều có vẻ ảm đạm, thì việc tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình đã khó, nói chi đến chuyện mang lại hay là nghĩ về hạnh phúc cho người khác!
Người khôn ngoan bao giờ cũng mưu cầu hạnh phúc cho mình bằng cách mang lại hạnh phúc cho người khác; bao giờ cũng phân biệt được đâu là phương tiện, đâu là mục đích và đâu là hệ quả trên từng chặng đường đời; và đặc biệt là bao giờ cũng hiểu rằng, “vì người” là cách “vì mình” khôn ngoan nhất.
Có người nói vui rằng, Việt Nam từng được một tổ chức của Pháp bình chọn là “quốc gia lạc quan nhất thế giới” (trong một cuộc điều tra với quy mô 53 quốc gia vào năm 2010). Vậy thì có cần chăng phải suy nghĩ về chuyện hạnh phúc của xứ mình?
Có thể thấy rằng, tâm thế lạc quan hay bi quan là một quá trình chuyển biến theo từng tầng nhận thức một. Ở tầng thấp nhất, người ta sẽ lạc quan và hạnh phúc vì không nhìn thấy hay không hiểu nổi những bất hạnh của thời cuộc. Cao hơn một bậc, người ta sẽ bi quan cùng cực khi nhận ra được sự thật của những điều mà lâu nay mình tưởng là... tốt đẹp. Nhưng ở đỉnh cao nhất của nhận thức thì người ta lại rất lạc quan, lạc quan thật sự chứ không phải là lạc quan tếu, khi mình hiểu thấu sự thật và biết rõ con đường mà mình và mọi người cần phải đi để có thể góp phần làm thay đổi những điều mà không ai muốn thấy...
Những thay đổi đó hay làm cái gì đó, có thể là tiền bạc, là cái ăn, cái mặc, chỗ ở, là việc làm, là cơ hội... Nhưng cái quý giá nhất trên đời mà mỗi người có thể góp phần mang lại cho chính mình và cho người khác, đó là “năng lực tạo ra hạnh phúc”, bao gồm năng lực làm người, năng lực làm việc và năng lực làm dân.
Năng lực làm người là có cái đầu phân biệt được thiện-ác, chân-giả, chính-tà, đúng-sai..., biết được ai là ai, biết sống vì cái gì, trái tim chan chứa tình yêu thương và giàu lòng trắc ẩn. Năng lực làm việc là khả năng giải quyết được những vấn đề của cuộc sống, của công việc, của chuyên môn, và thậm chí là của xã hội. Năng lực làm dân là biết được làm chủ đất nước là làm cái gì và có khả năng để làm được những điều đó. Khi con người có được những năng lực đặc biệt này thì sẽ thực hiện được những điều mình muốn. Khi đó, mỗi người sẽ trở thành một “tế bào hạnh phúc”, một “nhà máy hạnh phúc” và sẽ ngày ngày “sản xuất hạnh phúc” cho mình và cho mọi người.
Xã hội mở ngày nay làm cho không có ai là nhỏ bé trên cuộc đời này, trừ khi tự mình muốn nhỏ bé. Ai cũng có thể trở thành những con người lớn bằng hai cách, làm được những việc lớn hoặc làm những việc nhỏ với một tình yêu cực lớn. Và khi biết chọn cho mình một lẽ sống phù hợp rồi sống hết mình và cháy hết mình với nó, mỗi người sẽ có được một hạnh phúc trọn vẹn. Khi đó, ta không chỉ có những khoảnh khắc hạnh phúc, mà còn có cả một cuộc đời hạnh phúc. Khi đó, tôi hạnh phúc, bạn hạnh phúc và chúng ta hạnh phúc. Đó cũng là lúc ta thực sự “chạm” vào hạnh phúc!

Nếu bạn là đàn ông

Leave a Comment

                           


Nếu bạn là đàn ông

Nếu bạn đã vào đời và chưa 25, đang xây dựng sự nghiệp của mình, đã hoặc đang yêu, đang trong tư thế đón chờ nhiều khó khăn và thách thức của cuộc sống, có quá nhiều thứ phải làm mà không biết bắt đầu từ đâu, vậy tại sao không thử bắt đầu từ những gì mà một người đàn ông nên và phải biết?
Tình yêu và cuộc sống
17 đến 25 là một cuộc hành trình không ngắn để bạn khẳng định cá tính của mình và phát triển “thương hiệu cá nhân”. Nếu bạn chưa yêu, không sao, ở độ tuổi này bạn thực sự có nhiều điều phải làm hơn nếu không phải vướng bận quá nhiều vào chuyện tình cảm. Nếu bạn đang yêu, thật sự chúc mừng bạn, còn điều gì tốt hơn để có thể giúp bạn sống và trải nghiệm một cách hạnh phúc trên con đường đời của mình ngoài tình yêu ngọt ngào đó.
Là đàn ông, bạn không như con nít còn phải học cách lo cho chính bản thân mình, như phụ nữ luôn cố gắng học cách chăm sóc gia đình mình, hay như người già học cách chiến thắng bệnh tật và tuổi già. Bạn là đàn ông, nên đôi bờ vai của bạn “rộng”, rộng đủ để bạn làm được cả 2 điều “căn bản” trong cuộc sống này, một là chăm sóc được cho bản thân và gia đình mình, 2 là che chở cho nhiều con người còn khó khăn ngoài cộng đồng kia.
Là đàn ông, không những biết cách tôn trọng bản thân mình, bạn còn phải học cách tôn trọng phụ nữ, nhất là những người phụ nữ mà bạn yêu thương, đừng chỉ nghĩ “con gái phải giữ mình”, hãy biết rằngđàn ông cũng phải giữ mình và còn phải biết giữ mình hơn cả phụ nữ. Nếu bạn đang yêu, bạn phải chủ động giữ mình bằng cách giữ cho người mình yêu, đừng nghĩ chỉ có nàng mới phải có trách nhiệm đó.
Đừng hưởng ứng những kẻ dùng thủ đoạn, mánh khóe trong tình yêu. Đừng bao giờ ngồi xuống thách thức bạn bè tán gái trong 7 ngày. Đừng nghĩ rằng việc chinh phục bao nhiêu người con gái là những thành tích chói lọi. Đừng ủng hộ những kẻ “bẩn tính” luôn muốn khoe khoang khả năng “tán tỉnh” của mình.
Giữ mình còn có nghĩa là biết cách sống một cách bản lĩnh với cá tính của mình. Cuộc đời này không đơn giản và cũng không phải chỉ được tô vẽ bởi những gàm màu trắng đen (tiêu cực) hay chỉ một màu hồng duy nhất. Cho dù bạn có không may mắn, bị thất tình, chuốc phải đau khổ, chưa kiếm được việc làm vừa ý hay kết quả học tập không như mong muốn, bị lừa dối hay lừa đảo, gặp khó khăn và nhiều tác động tiêu cực đến tinh thần, có lúc bạn suy sụp và muốn biến mất khỏi thế gian này càng nhanh càng tốt, thế nhưng, bạn vẫn phải sống chứ không chỉ giản đơn là “tồn tại” một cách đau thương và thê thảm.
Là đàn ông, ở những lúc đối diện với những cạm bẫy cuộc đời, bị lôi kéo đến những “cuộc chơi” liều lĩnh, chưa thể trốn tránh được những đám “bạn xấu” dụ dỗ, đứng trước những cám dỗ đầy ma lực, nào là thuốc lá, rượu bia, chất kích thích, ma túy, tình dục… bạn càng phải tôn trọng bản thân mình, càng phải bản lĩnh, càng phải chiến đấu đến cùng, càng phải đứng vững trên đôi chân của mình, cho dù phía dưới chực chờ chông gai muốn xé nát bạn ra đi chăng nữa.
Tuy không phải lúc nào bạn cũng phải tràn đầy năng lượng tích cực và cho dù người đàn ông có cho phép mình những lúc yếu đuối, mềm lòng, thì cũng đừng quỳ gối cầu cứu sự thương hại của bất cứ ai, đừng lao vào những thứ mà bạn không thể kiểm soát đươc, không nên ăn uống vô độ, thích làm gì thì làm với những lời bao biện bào chữa rỗng tuếch và yếu đuối, rồi sau đó lại nguyền rủa xã hội, rồi cuối cùng tệ hại nhất là nói và làm những điều trái ngược với những gì trước giờ bạn theo đuổi và mơ ước.
Nếu bạn có luôn có những ước mơ thì những ước mơ đó chỉ cần lớn hơn chính bạn là đủ, đừng để những tác động bên ngoài làm ảnh hưởng đến bạn và đừng cho phép bất kỳ ai tước đoạt ước mơ của mình.
Nếu bạn thích và yêu một người con gái, hãy nói cho cô ấy biết. Nếu bạn muốn “tấn công” cô ấy, càng nên “thông báo” cho cô ấy biết, nếu nàng không cho phép, hãy tôn trọng quyết định của nàng nhưng cũng đừng bị động chờ đợi, hãy cứ tiếp tục yêu thương và giữ khoảng cách đù “gần” để ở bên nàng trước tiên như một người bạn, sau đó, nếu bạn đủ khả năng tạo cho nàng cảm giác an toàn, thì mới nên cho phép mình có một chút lãng mạn, một chút gì đó là một gã si tình thông minh và đáng yêu.
Là đàn ông, phải xem tình yêu của mình như một món quà, mà quà thì phải biết cách tặng, vậy nên đừng có muốn tặng ai thì tặng, tặng lúc nào thì tặng, quà sẽ mất giá. Nếu bạn yêu một người con gái, đừng cố yêu bằng cách chứng tỏ cho mọi người khác bạn đang yêu say đắm nàng, đừng dùng phương pháp “đẹp trai không bằng chai mặt”, điều đó không đúng. Đừng chỉ muốn chăm chăm thể hiện tình yêu của mình mà không quan tâm đến cảm xúc thật sự của nàng (đó chỉ là sự ích kỷ).
Yêu là một động từ, và tình yêu là kết quả của động từ ấy.
Một ngày đẹp trời, bạn tỏ tình. Nếu được đáp trả, hãy yêu như đó là tình yêu duy nhất và cuối cùng,hãy tin tưởng, cống hiến và đam mê. Và hãy luôn ghi nhớ bạn phải là người giữ gìn cho cả 2.
Nếu không được đáp trả, hãy khôn ngoan và tìm cách yêu mà không làm tổn thương bản thân bạn và nàng. Nếu làm không được, hãy học cách quên đi tình yêu đó, đừng ủy mị, đừng yếu đuối.
Là đàn ông, đừng tuyên bố hay thề non hẹn biển sẽ bên người yêu bất cứ khi nào họ cần. Cho dù ai nói gì, bạn phải luôn lấy sự nghiệp làm trọng. Nếu phải đi xa, khi người yêu cần, hãy mang cô ấy đi cùng, đừng nịnh nọt bằng kiểu “anh sẽ bỏ tất cả để về với em”, nghe thật yếu đuối và đầy màu sắc tuồng chèo ủy mị.
“Thương cho roi cho vọt” là cách một người đàn ông yêu thương mọi người, đừng bao giờ đóng một vai trò không rõ ràng, vừa “làm cha cho roi vọt”, vừa “làm mẹ xuýt xoa an ủi”. Đừng có cái kiểu đàn ông không ra đàn ông, đàn bà không ra đàn bà, chân trong chân ngoài, đến lúc nói chẳng ai tin, có khéo mấy cũng chẳng mấy ai mong. Nói thế không phải để bạn quất roi vào những người bạn yêu thương, chỉ là một cách ví von để cho bạn biết, yêu thương bằng cách nghiêm khắc, cứng rắn không phải là “lỗi thời” mà thật sự rất hợp “mốt” của đàn ông, vốn dĩ chúng ta là như thế.
Đừng nghĩ chỉ có phụ nữ mới có và cần đức tính bao dung. Đàn ông càng phải bao dung nhiều và nhiều hơn thế nữa. Tuy thế, bao dung và vị tha cũng phải biết cách, đừng biến mình thành kẻ “yếu đuối” nhu nhược.
Nếu có một người con gái sẵn sàng bỏ tất cả để yêu bạn. Đừng vì điều đó mà bạn phải đáp trả tình cảm với cô ấy. Đừng nghe những lời khuyên đại loại như “Lấy người mình yêu hay là lấy người yêu mình”, điều đó không đúng. Bạn chỉ có một cuộc sống, tại sao không lấy người bạn yêu và cô ấy cũng yêu bạn, điều đó không khó như bạn tưởng, đừng hấp tấp vội vàng “đeo gông” cho mình. Vậy, với người con gái mà sẵn sàng hi sinh vì bạn, hãy từ chối cô ấy (một cách khéo léo và phù hợp), một cách dứt khoát để tốt cho cả 2. Nhưng bạn cũng phải cho cô ấy một cái “tát” (theo nghĩa bóng) cho tỉnh người ta, để cô ấy hiểu rõ được giá trị bản thân mình, biết quý trọng và yêu thương chính mình, vì nếu cô ta sẵn sàng hi sinh bản thân mình vì tình yêu, có điều gì đảm bảo được bạn không phải là điều mà cô ta muốn vứt bỏ tiếp theo không?
Đừng tưởng sống một cuộc sống đầy đủ, sung sướng cầu được ước thấy, rồi bảo cuộc sống này quá tốt đẹp. Hãy bước ra khỏi vòng tròn an toàn của mình, để biết có nhiều điều “bẩn thỉu” ở thế giới này, có nhiều thứ khiến bạn phải cay đắng, khốn khổ, để biết mặt trái của cuộc sống này, biết được sự xấu xa của một số người ngoài kia. Sau khi chứng kiến được những chuyện đó mà bạn vẫn dám ngẩng cao đầu lựa chọn yêu cuộc sống này, sẽ sống và tiếp tục sống rồi thốt lên “cuộc sống này thật tuyệt vời”, đó mới là sống với những gì mình chia sẻ và trải nghiệm.
Làm đàn ông, cho dù lứa tuổi nào đi nữa, cũng nên nhớ bạn là “đàn ông” mà đàn ông thì không chơi trò nói xấu “tình địch”, tìm kiếm sự an ủi khi gặp thất bại trong tình cảm bằng cách xé ảnh, đốt thư, vứt những vật kỷ niệm, và làm những trò rẻ tiền khác mà đến những đồng 500 VNĐ cũng mua được một đống. Và đừng ác miệng với người mình đã từng yêu thương hết mình. Đừng làm trò trẻ con.
Cứ tiếp tục tin vào tình yêu. Tin rằng luôn luôn có người dành cho bạn, vẫn có những người tốt dành riêng cho bạn, có thể họ cũng đang đi tìm bạn – một nửa mảnh ghép tình yêu đích thực của họ, đừng làm họ bị tổn thương bằng cách hủy hoại niềm tin của mình.
Đừng nói kiểu “Ngoài đời toàn bọn lừa đảo”, “thời này làm gì có con gái còn trong trắng”, “đừng tin bất cứ ai chỉ nên tin chính mình”…, đừng ấu trĩ như vậy, đừng vơ đũa cả nắm, đừng như con ếch trông ra miệng giếng mà bảo bầu trời chỉ bé bằng con mắt. Hãy “lớn” như một người trưởng thành theo đúng nghĩa đen của nó. Cuộc đời này còn rất nhiều người tốt, chỉ là bạn chưa có cơ hội  thấy họ “tốt” mà thôi.
Trừ khi bạn cho phép và hạnh phúc vì điều sau đây, nếu không, đừng để cô gái “mơn trớn” bạn bằng những tên gọi thân mật. Hãy nói thẳng với cô ta và bảo cô ta gọi bạn bằng tên hoặc cho đúng vị trí xã hội mà bạn có. Đừng để người khác đùa cợt với bản thân bạn (và thật đáng buồn là bạn lại thích thú với những thứ phù phiếm đó). Bạn sẽ mất đi cảm giác thật sự khi người yêu thương bạn thật sự gọi điều đó. Đừng để những điều đặc biệt được thực hiện một cách tầm thường trong cuộc sống của bạn bởi những người “ảo” (không có giá trị hiện thực với bạn).
Bạn là bạn, không là trò mua vui rẻ tiền cho bất cứ ai cả.
Nghiêm túc với bản thân mình, bạn nên mang bên mình những cái BCS. Nếu phải xảy ra chuyện gì, bạn phải sử dụng nó một cách hợp lý, đúng theo hướng dẫn sử dụng. Đừng đem nó ra làm trò đùa. Nếu phải dùng, hãy biết cách dùng. Đừng xấu hổ khi phải làm điều gì đó mà bạn cảm thấy đúng, hãy thẳng thắn và trung thực với bản thân mình, có gì mà phải xấu hổ với kiến thức và sự hiểu biết về giới tinh của mình chứ? Đừng trẻ con.
Bạn bè và sự nghiệp
Làm đàn ông, tự biết chọn bạn mà chơi. Đừng chơi với những kẻ suốt ngày than vãn, tiêu cực, Đừng làm bạn với những kẻ an phận, không có ước mơ, không có hoài bão. Đừng ngưỡng mộ những kẻ có một đống title (chức vụ) phù phiếm, những người thật sự thông minh và khôn ngoan thì thật sự sẽ khiêm tốn. Kiêm quá nhiều thứ cũng như chẳng kiêm thứ gì cả.
Biết thương người là tốt, nhưng đừng bao đồng, phải biết cách giúp mình trước, trước khi giúp người khác. Nhưng cũng đừng chờ đợi cho tới lúc “hoàn hảo” rồi mới giúp, có rất nhiều cách để giúp đỡ người khác bằng tình thương và sự sáng tạo của bản thân, đừng chần chừ khi có cơ hội giúp người khác tốt hơn.
Luôn tin vào bạn bè của mình, đừng quay lưng lại với họ khi họ làm điều gì đó sai, con người không phải thánh, đến thánh cũng có lúc sai, cứ đối đãi với người bằng lòng bao dung.Nếu họ làm điều gì đó không đúng, tất nhiên bạn sẽ giúp họ sửa chữa việc đó, nhưng còn hơn thế nữa, bạn nên bảo vệ họ tránh khỏi những nguồn năng lượng tiêu cực từ bên ngoài. Bạn biết họ chưa đúng, nhưng khi người khác có ý “tấn công” người bạn của mình, bạn nên dập tắt cuộc tấn công đó, chặt cho rớt những thứ “búa rìu dư luận” ấy đi.
Nếu bạn chưa vừa lòng với một người, điều đó không có nghĩa là người đó sai hay bạn sai, chỉ có nghĩa duy nhất là bạn cần cho mình và người đó thêm thời gian, có thêm thời gian, bạn sẽ phát hiện nhiều điểm tốt ở người bạn đó và sẽ có cơ hội yêu quý họ hơn.
Làm ơn phải tư duy mạch lạc, thẳng thắn. Biết được 2 điều quan trọng “nhận” và “không nhận”, đó là biết nhận sai khi mình làm điều gì đó không đúng, và biết “không nhận” những lời khen hoặc nịnh nọt, tâng bốc mà nó không thuộc về bạn. Ai cũng thích đươc khen, nhưng chắc chắn chỉ có những kẻ yếu kém mới suốt ngày mong muốn được nịnh nọt và tâng bốc.
Trong môi trường làm việc, khi bạn biết sếp bạn sai, thì điều đó không có nghĩa là sếp hoàn toàn yếu kém. Hãy nhận biết rõ ràng những gì sếp bạn làm, cho dù đúng hay sai, vẫn cứ học hỏi từ đó. Nếu được cho phép, hãy “lãnh đạo ngược” và giúp sếp mình sửa những lỗi sai bằng cách nào đó mà sếp không tự ái và vui vẻ đón nhận nó, bạn thật sự có được sức mạnh lãnh đạo to lớn bất kể bạn ở vị trí nào trong tổ chức.
Là đàn ông, bạn phải học cách hi sinh rất nhiều thứ để có được những điều tốt đẹp hơn và tốt nhất trong cuộc sống này. Biết thắng đúng lúc, biết “thua” đúng lúc, biết thế nào là “đại kết cục” chứ đừng tỉ mỉ vụn vặt so đo hơn thua với những người xung quanh mình từng li từng tí.
Làm đàn ông, đừng tỏ vẻ đáng thương, ra vẻ bệnh tật và lao lực để được sự quan tâm của người khác mà kiếm sự an ủi. Nếu bạn phải làm việc đêm hôm, đó là vì bạn muốn điều đó, nếu bạn bệnh, là do bạn không biết cách tự chăm sóc mình, làm ơn đừng làm ra vẻ tội nghiệp.
Là đàn ông, đừng tự cho phép mình là kẻ đứng trên mọi người, muốn trách ai thì trách, muốn phán xét ai thì phán xét, muốn dán nhãn ai thì dán nhãn.
Bằng cấp là quan trọng (theo cách chúng ta biết những gì mình muốn thu lượm được từ quá trình phấn đấu để đạt được nó), đừng tự lừa dối mình rằng Bill Gates hay những người giàu có nhất thế giới không có bằng cấp và rời trường đại học. Ra khỏi trường đại học không có nghĩa là ngừng học. Và Bill Gates thực sự không bao giờ ngừng học.
Không có bằng cấp nào có giá trị bằng cái “bằng lòng”, vừa biết phấn đấu, tham vọng và ước mơ, nhưng sống là phải biết những gì mình biết, và biết những gì mình chưa biết. Đừng đỏi hỏi những thứ không thuộc về mình.
Nếu bạn chưa có được tấm bằng đại học, phải học lấy cho bằng được tấm bằng đó, đừng nghe lời người khác nói bằng cấp Việt Nam không có giá trị. Cái gì cũng có cái giá của nó, tuy sự thật nó không có giá trị đúng như 4 năm học đại học bạn bỏ ra, nhưng nó có giá trị rất lớn với bản thân và cuộc đời bạn nếu 4 năm đó bạn thật sự học hành và thấu hiểu được việc bạn học để làm gì.
Giáo dục mục đích tối cao nhất là dạy cho con người biết cách tự học, tự trau dồi kiến thức và kỹ năng cho bản thân mình. Nếu bạn nghĩ chỉ có nền giáo dục phương Tây mới làm được chuyện đó thì bạn đã lầm, nước mình tuy nghèo, giáo dục không được tiên tiến nhưng người Việt không ngu dốt và không yếu đuối như bạn tưởng.
Nếu bạn còn ngửa tay xin tiền bố mẹ, điều đó không sao nếu bạn còn chưa ra ngoài đời, nhưng ngay từ bây giờ bạn phải học cách trân trọng điều ấy, đừng có cái kiểu sắm cho mình những bộ đồ hàng hiệu, những thứ trang sức mắc tiền, sử dụng nhưng thứ khác mà ngoài tầm với và không cần thiết càng làm cho bạn trở nên vô liêm sỉ hơn mà thôi.
Nếu bạn có cha mẹ làm ông to bà lớn, tùy bạn, nhưng nên nhớ đi lên bằng đôi chân của mình, lao động bằng trí óc và đôi tay khéo léo của mình sẽ mang lại sự hạnh phúc thật sự cho bạn chứ không phải là những thứ bố mẹ bạn sắp đặt, xin xỏ cho bạn. Con bò có đeo lục lạc thì vẫn là con bò, cũng được xỏ mũi dắt đi như bao con bò khác mà thôi.
Bạn thật sự tuổi còn xanh, chỉ mới bắt đầu vào đời, có thể chưa bắt đầu sự nghiệp riêng của mình, chưa chắc chắn hình dung ra được tương lai, ước mơ của mình. Nhưng bạn thực sự đang sống cuộc sống của chính mình, đừng ăn bám cha mẹ và người thân nữa, cứ bước ra ngoài đời đi, bạn sẽ không chết đâu. Cha mẹ đã tiêu tốn hơn 20 năm vì bạn rồi, hãy học cách yêu thương họ bằng cách thật sự vào đời đi.
Đừng sống cuộc sống này chỉ vì tiền, nhưng phải biết cách yêu quý tiền, biết cách xài tiền và biết cách trân trọng công sức của mình hay người thân làm ra đồng tiền đó. Sống tiết kiệm không có gì xấu, tiết kiệm không phải là keo kiệt, đừng chơi trò tán gái bằng cách rút một đồng tiền mệnh giá rất lớn ra cho người ăn xin trong khi đi chơi với họ, trong khi đi ăn với bạn bè thì bao giờ cũng “để quên tiền ở nhà”. Biết cách xài tiền để sống cho ra sống.
Mindset, gia đình và cộng đồng
Làm ơn đừng nghĩ gì nói đó, đừng nghĩ cái kiểu muốn người khác phải thấu hiểu mình, thông cảm cho mình, bởi vì mình phải hi sinh thứ này thứ nọ, bởi vì mình phải cống hiến thứ này thứ kia…
Đừng tự cho mình thông minh hơn những người khác, thông minh hơn phụ nữ, thông minh hơn những người nhỏ tuổi hơn mình mà lừa dối họ, lấp liếm họ. Cho dù bạn có thông minh, nhưng sẽ không bao giờ đủ để làm điều “tồi tệ xấu xa” mà hòng mong người khác không biết vì sự chống chế thủ đoạn của mình.
Là đàn ông, đường đường chính chính làm những điều mình muốn, cho dù có không đúng thì cũng can đảm thừa nhận sự yếu kém của mình, cho dù có tự vả mình những cái tát thật đau, thì cũng phải biết đứng dậy mà đi tiếp. Đừng tỏ vẻ khôn ngoan viện nhiều lý do một cách ranh ma, điều đó càng làm cho bạn mất đi phẩm chất đáng quý của mình mà thôi.
Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta phải trải qua những chuyện đau khổ và tủi nhục. Không ai cấm bạn khóc, cứ khóc, nhưng đừng để ai biết. Nếu người khác để ý, đừng cho họ thấy, đàn ông khóc cũng phải biết cách, hãy cho nước mắt chảy ngược vào trong, và nở một nụ cười cứng rắn. Nếu phải khóc cũng đừng để mắt mình đỏ hoe và sưng húp.
Bạn phải có lòng trắc ẩn (thương người nhưng ẩn vào bên trong), đừng tiếc rẻ, xuýt xoa, cố gắng hô hào ra bên ngoài những lời lẽ phù phiếm, làm những việc chứng tỏ bạn yêu thương tất thảy mọi người. Nếu bạn thật sự yêu thương mọi người, mọi người sẽ tự hiểu mà không cần bạn phải dùng hoa chiêu (80% hành động và 20% lời nói, đừng làm ngược lại).
Trong cuộc sống có những cái gọi là “Điểm không thể quay lại”. Giống như một chuyến bay từ Việt Nam sang USA, bạn đã đi qua hơn ¾ chặng đường rồi, cho dù không muốn, bạn vẫn phải đi tiếp vì công sức quay lại tốn nhiều công sức và thời gian gấp nhiều lần so với việc đi tiếp. Là đàn ông, một khi đã dứt khoát làm việc gì và đã đi qua “điểm không thể quay lại”, thì đừng bao giờ lung lay đổi ý.
Làm đàn ông, quyết định chuyện gì đó phải thật dứt khoát và nhanh chóng, sau đó cố gắng đừng để vì lý do nào để thay đổi nó. Đừng suy nghĩ thật lâu rồi mới quyết định làm chuyện gì đó, rồi sau đó lại thay đổi. Lãnh đạo giỏi quyết định dứt khoát và rất khó thay đổi, còn kẻ yếu kém suy nghĩ để quyết định rất lâu rồi lại dễ thay đổi, sau đó kiếm cớ bao biện.
Giúp người là điều nên làm, rộng lượng là điều nên làm, và là đàn ông, bạn được mặc định những đức tính quý báu ấy. Đừng cứ suốt ngày giúp người mà kể công, tính toán vụn vặt mà thù ghét người khác. Giúp thì giúp, đừng lải nhải.
Đừng tự vỗ ngực mình là người luôn hết lòng, cống hiến, chân thành với mọi người. Nếu bạn tốt, bạn không cần phải nói ra, mọi người về lâu về dài sẽ dựa trên những gì bạn làm mà hiểu bạn. Đó là chưa kể, người ta có chấp nhận cách bạn quan tâm và yêu thương họ không nữa. Không phải điều mình cho là tốt là mình cứ đem ban phát mà không xin phép cả người mình định “tặng”.
Là đàn ông, giá trị của bạn nằm ở trí tuệ, tinh thần, tâm hồn, suy nghĩ, tính cách của bạn chứ không phải là chiếc xe bạn đi, quần áo bạn mặc, nước hoa bạn xài…. Nhưng đừng quên phải chỉnh chu, sạch sẽ và nghiêm túc với từng vị trí xã hội của mình khi vào một môi trường khác.
Thường thì đàn ông không dùng “sức mạnh” cơ bắp với phụ nữ, nhưng là đàn ông tri thức thì càng phải nói không với việc “khủng bố” tinh thần bằng những lời lẽ miệt thị, mắng mỏ, hù dọa, đe nẹt. Đã không dùng sức, cũng đừng dùng “trí” để trấn áp, khủng bố làm tổn thương tâm hồn họ.
Khác với vẻ đẹp của phụ nữ, bạn đẹp ở lòng bao dung, lòng trắc ẩn, bờ vai, nụ cười trước khó khăn của cuộc sống. Đàn ông đẹp từ trong đẹp ra, đừng chỉ chú trọng đẹp từ ngoài đẹp vào. Phụ nữ với sắc đẹp chỉ tồn tại chừng 20 năm, thậm chí cho 30 năm là hết. Nhưng đàn ông càng “đàn ông” thì càng đẹp, và đẹp cho tới cuối đời.
Là đàn ông, cứ nhìn xa trông rộng, cứ mơ ước, nhà nước này chẳng bao giờ đánh thuế mơ ước đó của bạn đâu. Xác định cho mình cả một mục tiêu kép nữa, đó là lo cho mình trước, nhưng sau đó còn có thể giúp đỡ nhiều người khác hơn nữa, đừng để tuổi trẻ qua đi mà chỉ ngồi đếm răng và chải chuốt vuốt keo.
Bạn đừng nghĩ khi người ta trẻ, người ta sẽ nhuộm tóc, cắt một kiểu tóc thật mốt, xài một thứ nước hoa đắt tiền, dùng toàn hàng hiệu thì người ta sẽ nhận được sự ngưỡng mộ của người khác. Những con tóc vàng hoe mới ngưỡng mộ kiểu không có não như vậy thôi. Cá tính, nhưng đừng làm cho mình trở nên rẻ tiền.
Là đàn ông, đừng có cái kiểu khắt khe quá với mọi người mà lại bỏ qua những lỗi lầm của bản thân. Hãy làm điều người lại, đặt tiêu chuẩn đòi hỏi bản thân mình cao, nhưng hãy luôn tha thứ cho những lỗi lầm của những người xung quanh và giúp họ tiến bộ hơn.
Nếu cha mẹ bạn có lỡ là nông dân, có lỡ là người nghèo, có lỡ làm xe ôm, có lỡ không được như người khác, cũng xin đừng coi rẻ họ. Một là bạn bất hiếu, hai là bạn lớn lên không thể ra đời sống một cách bản lĩnh được. Biết coi trọng những người lao động đã tạo ra giá trị trong cuộc sống này, để bạn biết được bản thân mình đứng đâu trong xã hội này, để bạn biết cách làm cho cuộc sống của mình và mọi người xung quanh tốt đẹp hơn.
Làm người quét rác, rác bẩn nhưng con người thì không. Làm người công nhân đào đường, mồ hôi không “hôi” như bạn tưởng. Hãy tôn trọng những người không có cuộc sống tốt đẹp như bạn, họ nghèo khổ, nhưng họ đang kiếm những đồng tiền lương thiện để tự lực nuôi sống bản thân và gia đình mình một cách đáng tự hào.
Làm đàn ông, khoan dung, nhưng đừng yếu đuối.
Làm đàn ông, rộng lượng, biết cách tha thứ cho người, cho đời và cho chính bản thân mình nhưng phải luôn nghiêm khắc và nghiêm túc với cuộc sống này.
Làm đàn ông, phải là đàn ông.
Lê Vũ’s blog

Được tạo bởi Blogger.